30 July 2011

It's a Ruby!

Hôm qua là kỷ niệm 40 năm ngày ông bà ngoại Biam trở thành một gia đình! Đã có những người bạn từ thưở học trò đến để "nhớ lại ngày xưa" cùng với hai người. Dù TSV bị ảnh hưởng bão, mọi người đã có một buổi chiều ấm áp vui vẻ. Tiếc chút xíu là con cái mình ở xa không về được dịp này, nhưng không sao sẽ còn Golden và cả Diamond nữa mà.





It's a joyous ruby anniversary celebration!

28 July 2011

Cỏ Lan chi tưng bừng trổ bông

Cái giống cỏ này rất lạ, trồng ở xứ nóng chẳng bao giờ thấy bông nhưng ở xứ lạnh thì bông lên ì xèo vào tầm này.


Năm ngoái, đợt về quê Quảng Nam, nhìn thấy loại "cỏ" xanh mượt không có bông, mình tưởng là khác loại nên cũng cúp núp đem về TSV mấy bụi rồi tách ra trồng ngoài bồn để nhân giống. Ai dè, mùa này nó cũng trổ bông y như tụi đã có sẵn.


Bông cỏ lan chi màu trắng, be bé như những cái chuông lủng lẳng làm liên tưởng đến loại hoa Chuông / Lily-of-the-valley ở các xứ ôn đới.


Thôi thì không có Lilyofthevalley mình xài đỡ cỏ Lan chi tàm tạm vậy!

27 July 2011

Dichondra

Dichondra có hai loại, loại lá màu ánh bạc gọi là Dichondra silver fall, và loại màu xanh tuyền gọi là Dichondra micrantha. Tên tiếng Anh thông dụng của tụi này là "Kidney weed" do hình dạng của lá và thói quen sinh sống của cây.

Thân mọc dài thỏng thược như thác đổ

Lá có hình dạng như "quả thận"

Trước mình được bạn Hanoi gởi cho 2 cây Silver fall nhưng chúng còn nhỏ quá nên không sống nỗi. Vừa rồi lại được một bạn khác ở Saigon cho một giỏ Micrantha khủng bố. Đúng là cầu được ước thấy!


Ở miền Nam California trước đây, dichondra được trồng như cỏ thảm để che đất. Nói thế để biết là chúng rất dễ trồng và ưa thích khí hậu ấm áp. Hèn gì mà cái giỏ Micrantha này to thế!


Kiểu này không biết chắc là liệu đem lên TSV nó có ra gì không. Thôi hẵn cứ để nó ở dưới này trước đã.

25 July 2011

Purple oxalis / Bướm đêm

Trước kia nhìn thấy em Purple oxalis / Bướm đêm mỏng manh quá, mình sợ em ấy không tự quản được nên không dám trồng. Sau đó thấy có nhiều người trồng dễ dàng mình muốn trồng thử và may mắn được bạn cho một em nhí với chỉ vỏn vẹn 3 cái lá mảnh mai. Đem lên TSV, mình thay chất trồng và cho em ấy vào một cái chậu nhỏ, vừa vặn hơn.



Chẳng bao lâu sau em đã thích nghi tốt và liên tục mọc thêm lá mới và cả hoa nữa đến độ mình lại phải thay chậu tiếp. Sáng nào khi có mặt ở TSV mình cũng săm soi xem em í có thêm lá nào mới nữa không và thường thì mình không bị thất vọng. Kể ra Purple oxalis không quá ỏng ẹo như mình nghĩ.




Rồi mình lại được cho thêm một em PO nữa, nhưng em này to khủng bố, có rất nhiều lá lòa xòa và cả những cành hoa nữa. Thật là thích mê tơi.



Giờ thì mình có đến hai em Bướm đêm, mỗi em ở một vườn. Vậy mà lâu nay cứ tưởng là em ấy khó nuôi lắm, thiệt là sai lầm hết sức.
Purple oxalis có dạng "củ", không có cành. Các lá mọc lên từ cái củ nằm dưới đất. Vì là dạng củ nên cây không cần tưới nhiều, thích chất trồng thông thoáng. Có thể để chậu cây ngoài chỗ nắng, nhưng tốt nhất chỉ nên là nắng sáng để tránh bị cháy lá.

22 July 2011

Lại là Mai xanh

Cách đây mấy tháng, khóm mai xanh (chưa truy ra tên khoa học) ở TSV rộ bông. Đợt rồi mình cho ẻm ăn một dúm NPK và hôm nay ẻm lại rộ thêm đợt bông nữa.


Thật ra mình cũng chưa hiểu hết quy luật trổ bông của cây nay vì chưa tìm ra tên tiếng Anh nên không thể Google thông tin được.  Chỉ biết nó "không ngủ" mà xanh tốt quanh năm.


Mai xanh trồng bằng cành. Mình mua em này ngoài Hải Sơn cách đây 4, 5 năm gì rồi. Ban đầu trồng xuống ẻm còi riết hết 2, 3 năm gì đó. Sau mình di dời em í vô chỗ hiện tại thì thấy nó phát triển nhanh hơn.


Bông mai xanh trổ thành từng chùm, cánh mảnh, màu xanh biếc rất nên thơ.

Update July 25: Mai xanh có tên khoa học là Petrea volubilis và tên tiếng Anh thông dụng là Sandpaper vine.

21 July 2011

The back door patio

Hôm qua ông ngoại Biam cắt cỏ viền trên cái sân sau. Muốn cắt cỏ viền thì trước hết phải bưng hết đám chậu lố nhố trên đó ra chỗ khác và sau khi cỏ cắt xong lại phải bưng xếp trở vô.
Thật ra đây không phải là chỗ để chưng cây mà chỉ là để cho chúng "phơi" nắng phơi mưa, vì muốn chưng thì phải sắp xếp lớp lang nhiều chỗ khác mà như vậy khi mình không có mặt thì không ai tưới được.
Cái patio có diện tích 3x5m thôi và cũng chỉ có chừng 50 cái chậu mà mình phải lao động vất vả nửa buổi chiều hôm qua và nguyên buổi sáng nay. Mệt!
Đầu tiên là quét cho hết ngọn cỏ vừa cắt ra. Sau đó là nhổ cỏ dại trong mấy chậu cây trước khi xếp vào ngay ngắn. Sẵn dịp này mình quy hoạch lại cho đâu vào đấy luôn.

Góc dành cho cây ưa bóng mát và cây mọng nước

Góc dành cho cây cần nhiều sáng

Góc dành cho bromeliad

Chỉ có bi nhiêu mà lu bu quá. Kỳ này chắc mình sẽ để cho tụi cây yên vị ở đây luôn, không bưng vô nhà lưới để cất nữa vì nhìn đi nhìn lại đám này... không phải là lan nên chắc không sợ bị đạo chích!

20 July 2011

Before and After - the Sunflower bed

Gọi là "Sunflower bed" vì đám hướng dương trong cái bồn này đang um tùm nhứt. Tụi này có lá to, bông to màu vàng rực rỡ hứa hẹn sẽ đem lại không khí mùa hè tưng bừng cho cái bồn dưới thung lũng.


Mình trồng đám hướng dương vô cái bồn này đâu hình như là hồi cuối tháng 3 vì sợ trồng sớm hơn khi mưa chưa tới chúng nó sẽ bị chết khô do không ai tưới.


Chúng nó sống lay lắt mấy tháng đầu mùa mưa và đến khi mưa nhiều hơn và được dọn cỏ bón phân tụi hướng dương mới bắt đầu trổ mã, cây nào cây nấy béo tốt đến nỗi nứt cả thịt!




Đến hôm nay, sau hơn 3 tháng, chúng đã bắt đầu ươm nụ rồi, những cái nụ này hứa hẹn sẽ trổ ra những cái bông hướng dương khủng bố.


Trước TSV còn trồng được hai cây hướng dương màu chocolate nhưng hạt thu được toàn lép, không lưu giống được. Thiệt là tiếc!


Hướng dương trồng bằng hạt, hạt hướng dương to, rất dễ nảy mầm. Khi nào cây có khoảng được 4 cặp lá thì có thể trồng ra bồn đất. Hoa hướng dương trổ ra ở đầu ngọn và ở đầu những nhánh ngang mọc ra từ nách lá. Hướng dương thích hợp trồng được ở mọi miền khí hậu.

18 July 2011

Cattleya "lá kép bông kép"

Giò Cattleya "lá kép bông kép" (ở mỗi ngọn có hai lá") ở ĐGT kỳ này sung thiệt, ra một lúc 3 vòi bông luôn. Thiệt là thích!
Mình thấy Cattleya cũng dễ nuôi và siêng bông như dòng Brassavola, hễ có cây con là sẽ có bông. Tuy nhiên không biết nguyên nhân gì mà đôi khi cây ra "lưỡi mèo" rồi bị khô chứ không phát triển. Mình đoán già đoán non có lẽ nó thiếu ẩm!


Em Cattleya này bị bịnh "rệp vãy", tuy rằng nó không làm cho cây chết, nhưng nhìn rất dơ. Hôm trước mình đã hì hụi cạy, rửa đám "vãy" rồi xịt thuốc trừ rệp. Trông nó có vẻ bớt. Sáng này lại hì hụi lau, rửa, xịt thuốc... hy vọng nó sẽ sạch đẹp! Mình cũng cắt bỏ luôn mấy cành bị rệp bám nhiều quá, vừa để "trừ hậu hoạn" vừa để tạo thêm độ thông thoáng cho chậu lan.



Cattleya, cũng như Dendrobium, thích ở chỗ có nhiều ánh sáng; tốt nhất là thêm nắng sáng. Nếu không đủ ánh sáng chắc là nó không trổ bông thường xuyên mà nếu nhiều nắng quá lá sẽ bị vàng như cây trong hình.

17 July 2011

Hoa tuần này ở ĐGT

Mình thiệt đúng là "having the best of both worlds"; ở TSV được dành để trồng những cây ôn đới còn ở ĐGT thì trồng cây nhiệt đới.
Tuần này cái góc càphê nhìn khá bắt mắt bởi màu sắc của cỏ hoa. Chậu "Summer colors" hôm nay đã rộ bông của đám Torenia.


Mấy cây cosmos nhiệt đới màu vàng khoe màu sáng chói thu hút lũ bướm đến hút nhụy. Người Việt mình trồng hoa không chú ý đến việc thu hút bướm, ngược lại còn sợ khi thấy chúng xuất hiện vì đi liền với bướm là... sâu! Nhưng người ngoại quốc khi làm vườn còn muốn quy hoạch hẵn một khu trồng toàn những cây có hoa mà bướm ưa thích.


Cây dạ quỳnh hôm trước trổ mấy bông hôm nay cũng vét thêm một bông nữa. Tiếc là dạ quỳnh chỉ nở vào buổi tối nên càphê sáng không hưởng được hương quỳnh.


Chậu mười giờ/rau sam portulaca nở ì xèo một màu cam thắm thiệt là dễ thương bởi nó chẳng đòi hỏi phải chăm sóc gì nhiều. Chỉ cần chất trồng thông thoáng thì dù mưa hay nắng nó vẫn xanh tươi.


Vậy đó. Nếu bạn chọn những loại hoa dễ tính dễ nết thì dù bạn có đi ngược về xuôi chúng vẫn vui vẻ sống và tô thắm cho khu vườn của bạn mà không cần bạn luôn phải chăm sóc cận kề.

16 July 2011

Mùa thược dược / dahlia

Thược dược / Dahlia là loại cây xuyên mùa (perennial) có chu kỳ phát triển và trổ bông trong vòng một mùa, sau đó thì cây rụi để ngủ đợi đến mùa năm sau.  Ở TSV, thược dược thức dậy vào đầu mùa mưa và khoảng giữa mùa mưa thì rộ bông, khác với Hanội thược dược rộ bông vào mùa đông lạnh.



Người ta trồng thược dược chủ yếu bằng củ (tuber), nhưng cũng có người trồng bằng cách giâm cành và gieo hạt. Tuy nhiên mình chưa bao giờ nhìn thấy hạt của những bông thược dược ở TSV mặc dầu sau khi tàn bông thì trên cây còn lại khá nhiều "trái" (?).


Thược dược thiệt là loại cây bông dễ thương, không thấy bị bệnh gì ngoài việc bị ốc/nhớt cắn mất lá non làm mình phải mắc công rình bắt tụi nó phát mệt!
Mùa hoa năm nay TSV có được thêm một màu thược dược đẹp: loại đỏ có sọc trắng rất bắt mắt ngoài những màu hoa đã có từ những mùa trước.

Màu đào và vàng trên đây là loại "lùn", cây thấp thích hợp trồng trong chậu hoặc trồng thành thảm ở bồn đất.

Thược dược hồng và đỏ được xem là loại thược dược "dại" ở Dalat. Nếu bạn đi dạo đến những con đường vùng ven Dalat mùa này bạn sẽ thấy những khóm thược dược hồng và đỏ trổ đầy bên bờ dậu.

Màu cam này cũng được cho là "hàng chợ" vì không ai cố tình
trồng để chơi.

Thược dược American Sun, du nhập từ Mỹ


Thược dược "đỏ sọc", hàng khuyến mãi từ cụm củ
của American Sun

Em "hồmg-tím sọc", có xuất xứ từ Dalat

Nhìn chung thược dược rất dễ trồng, chỉ cần vùi củ xuống đất đủ ẩm, thông thoáng là nó sẽ nảy tược, lớn lên và trổ bông. Bông thược dược trổ ra trên đầu ngọn, và ở một số nách lá. Nếu bạn muốn có nhiều bông trên một cây thì hãy bấm ngọn để cây nảy nhánh. Nếu bạn muốn bông to thì hãy tỉa bỏ bớt cành và bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cây.
____________________________________________

Cám ơn bạn đã ghé Túy Sơn Viên.
Nếu có thể xin bạn vui lòng để lại vài nhận xét cho chủ nhân biết có khách viếng thăm.
Related Posts with Thumbnails