28 September 2009

Mưa hoa

Đúng rồi, phải gọi là mưa hoa cẩm cù mới đúng - cả ba giỏ cẩm cù nở không biết cơ man nào là bông!
Nhiều hoa nhất là Obscura với những chùm bông be bé, màu vàng mật thơm lừng.

Kế đến là Carnosa với những chùm bông trắng, thơm sực nức.

Và cuối cùng là Krimson queen với những chùm bông màu hồng lợt, thơm nồng nàn.

Woa... nhà thơm quá!

27 September 2009

Nắp ấm các loại

Hai tên nắp ấm mua Tháiland đợt trước đã ổn định chổ ở và đợt ấm "tại chổ" đã mở rồi.
Đây là ấm của Rafflesiana.

Tên này có cái ấm to đùng, vành ấm sọc sọc, còn thân thì lốm đốm coi rất ấn tượng. Cái ấm này dám chắc có thể ăn cả... con gián! Nhưng mà dán thì kinh lắm, hôi rình nên sẽ không bao giờ cho nó ăn gián. Chỉ có thể là cho nhiều kiến vàng thôi.

Còn đây là ấm của Bicalcarata.

Ấm của Bical không to, nhưng tròn ủm và có màu xanh cốm, trông "dòn" ghê!

"Best in show" là tên Ventrata, ấm lớn ấm nhỏ lủng lẳng thấy thương.

Ấm của Ventrata thì thuôn dài, giống cái bình mấy cô gái Hylạp đi lấy nước ở sông Nil. Màu đỏ gỗ, đậm đà làm sao.

Sau khi cái sân sau được dọn dẹp gọn gàng, sáng nào mình với ông xã cũng ra ngoài ngồi uống càphê. Thế là bọn ấm cũng được ăn quà sáng, mỗi đứa vài con kiến!
Còn tên Thorelii thì ôi thôi vẫn chưa hết còi xương, chỉ có vài cái lá và vài cái ấm be bé. Tội nghiệp nó, chưa biết làm sao cho nó "qua đốt" đây?!?!

26 September 2009

Neoregelias

Thấy ớn luôn! Mấy bữa nay phải "đấu tranh chính trị" mãi với một anh chàng ở Phòng Khai thác Quốc tế của VNPT về mấy cây neoregelias của Sutthisak gởi. Cuối cùng, phe ta toàn thắng và sáng nay 6 cây neos đã an toàn hạ cánh tại ĐGT! Tốn vỏn vẹn 15,000 lệ phí cho nhà nước và 20,000 tiền tip cho em đưa hàng. Khỏe!
Mấy tên neos này cao lớn khỏe mạnh hết biết. Có em còn cao hơn cái chai Coke 1,5l nữa nè.

Tiếc là không có tên đầy đủ của tụi nó. Bây giờ chụp hình từng đứa để đi sưu tra lý lịch đây.

Phải chi mua bán dễ dàng mình order cây giống hoài hoài về trồng cho đã. Chẳng biết người ta khó khăn "vô lý" chi vậy hén?!?!?!
Update: Có tên được 3 đứa; đứa 2 = Neo. charm; đứa 3 = Neo. franca; đứa 4 = Neo. gold fever. Còn 3 tên kia từ từ hỏi tiếp.

24 September 2009

African violets

Mình không can thiệp gì hết, tự nhiên cây violet sport lại đậu trái! Mà những 2 cây đậu trái cơ chứ. Vui.



Kỳ này đợi trái chín mình thử gieo xem mất bao lâu thì hạt nẩy mầm và mất bao lâu thì cây gieo từ hạt sẽ trổ bông.
Hôm trước bạn đến chơi có ý muốn có mấy cây Frozen-in-Time để trồng chơi. Mình bèn lấy 3 cái lá đem nhân giống. Lụi hụi thế nào mà lá dính vào bịch nylong nên thúi mất 2 lá, còn 1 lá thì chưa thấy ra cây con.
Nhưng cũng cùng thời gian đó, mình nhân 3 cái lá khác của một cây chimeras. Hổm giờ nhìn lại cá 3 tụi nó đã ra được mấy cây con rồi nè.

Loại cây này dễ nhân giống là vậy nhưng trồng thì hơi... bị khó vì chúng đòi hỏi phải có khí hậu và chất trồng thích hợp. Uổng!

22 September 2009

Hình ảnh cập nhật của Thiếu mai + Gia đình vịt

Thiếu mai hôm nay trông xinh đẹp quá chừng. Đợt bông cũ vừa tàn đã có đợt bông mới thay thế đủ cho thấy cô nàng đang phát triển tốt.

Đám "rau má kiểng nhí" dưới chân thì, ôi thôi, lớn nhanh khủng khiếp và bò tràn lan. Mình đã phải cắt bỏ hết những ngọn bò thòng ra ngoài cho tươm tất.

Và gia đình nhà vịt tỏ vẽ vui thú lắm vì tha hồ ngụp lặn tìm mồi dưới đám rau. Mấy chú vịt nhí chẳng còn nhìn thấy đâu cả. Ngay vịt mẹ cũng chìm nghĩm, chỉ còn vịt bố đang cảnh giác trông chừng cho sự an toàn của cả nhà!

Các bạn trên GW cho biết "Thiếu mai" có tên latin là Serissa foetida, được trồng để làm kiểng bonsai vì cành phân bố đẹp, còn tên thông dụng của Thiếu Mai là "Snow rose" và "Tree of thousand stars". Hihihi, đẹp dữ hén!
Lẽ ra biết sớm thì cho cô nàng mang tên "Tuyết hồng" hoặc "Ngàn sao" rồi. Nhưng hai tên này đều có vẽ không... sang như "Thiếu mai", thôi cho chết tên này luôn vậy!
Các bạn cũng còn cho biết rễ của em "Thiếu mai" không được... thơm. Buồn 5 phút! Thôi không sao, cứ đừng đụng tới rễ của nó thì chẳng lo hít phải cái mùi... không thơm!!! Vả lại, biết đâu khi trồng ở Dalat thì nó lại không có cái mùi í nhỉ?!?!

21 September 2009

Cyanea khai hội

Cây không khí T. cyanea đã nở cái bông đầu tiên. Gớm, lâu tệ. Bắt đầu ươm nụ từ hồi tháng 6 đến giờ mới chịu khai hoa.

Tillandsia cyanea là loại không khí "trồng đất / terrestrial", khác với những loại không khí kia là loại "tầm gởi / epiphitic". Tuy vậy không thể trồng nó bằng đất mà phải trồng bằng chất trồng thích hợp nhất là dớn bay.

Cây này có cái vòi bông xòe ra như cái quạt nên ở Dalat người bán gọi là "Quạt ba tiêu". Dzui lạ!
Từ mỗi "khía" của cái quạt sẽ tuần tự trổ ra một cái bông màu tím. Vì vậy, một vòi bông chơi được khá lâu. Khi hết bông rồi thì vẫn có thể để chưng cái "quạt" cũng được.

Cây có thể sống được cả ở xứ nóng lẫn xứ lạnh. Mà hình như ở xứ lạnh thì nó thích hợp hơn vì mình thấy Dalat bán nhiều, còn ở Saigon thì ít thấy. Mấy năm trước, giá bán cyanea khá cao; mỗi tép (đơn vị) bán đến trên 100K. Bây giờ thấy có nhiều ngoài Hải sơn cũng như trong các nhà vườn nên chắc là giá đã hạ, vì tụi này sinh sản theo cấp x6 mà lỵ.
T. cyanea rất dễ tính, không cần tưới nhiều và cũng không cần phân bón. Chỉ cần ánh sáng và nước là đủ rồi.

18 September 2009

Anh chị em họ

Đó là họ nhà Gesneriaceae. Thật lạ lùng vì có những cây chẳng hề giống nhau tí nào, nhưng lại là anh em họ.
African violet là loài được biết đến nhiều nhất trong họ Gesneriaceae.


Kế đến là Gloxinia (tên Việt Tử linh lan?). Nhìn Gloxinia có vẽ gần gũi với AV nhất.


Rồi đến Episcia, không biết tên Việt là gì.


Và tên Chrysothemis pulchella (tên Việt "Lá gấm Đàiloan").


Xét về hình dáng lá và hoa thì có thể bốn đứa này cùng chi (?).
Thế nhưng nhìn mấy đứa dưới đây thì khó biết là tụi nó cũng mang cùng họ với bốn đứa kia.
Đó là Goldfish (tên Việt "Cá vàng"), tên khoa học là Nematanthus.


Tiếp theo là Lipstick (tên Việt là "Son môi), tên khoa học là Aeschynanthus radicans.


Kế đó là Aeschynanthus garrettii (tên Việt là "Hoàng xà").


Và Aeschynanthus speciosus (cũng là "Hoàng xà" luôn?).


Hai tên Hoàngxà này có điểm khác nhau ở hình dáng nhụy hoa (hay là nhị?). Aeschynanthus speciosus thì có cái nhụy hình trái tim,


còn Aeschynanthus garrettii thì có cái nhụy nhìn giống như "đang chắp tay". Ngộ thiệt hén.


Mấy em này hiện đang sống hòa bình với nhau ở cả hai nơi - ĐGT và TSV. Lúc đầu mình cũng đâu có biết chúng nó bà con với nhau đâu. Mãi sau sưu tầm tông tích mới phát hiện ra những thông tin này. Thiệt là thú vị

17 September 2009

Phần thưởng của người làm vườn

Mình có thói quen mỗi sáng đều ra nhà lưới để thăm thú xem có hiện tượng gì mới lạ đã xảy ra trong đêm với đám cây cỏ của mình không. Và vào mùa này, tâm điểm chú ý của mình là mấy chậu địa lan. Mỗi lần phát hiện chậu lan nào ra vòi hoa mình mừng như được nhận phần thưởng!
Hiện giờ đã có 4 chậu địa lan ra vòi bông rồi. Chậu ra vòi sớm nhất là chậu màu đỏ. Chậu này mình mua đâu hình như là Tết 2004. Hồi đó chẳng biết chăm sóc lan là gì, lại đem tách chậu nên nó không khỏe, chẳng chịu ra bông cho mãi đến 2006 mới trổ được một vòi bông, nhưng mình bận đi xa nên chẳng thưởng thức được gì cả.
Năm ngoái nó cũng nhú ra một vòi bông, mình mừng quá săm soi hoài. Rồi sao mãi không thấy nó lớn! Thì ra nó bị hư, khô chết bên trong nhưng mình không biết. Buồn 5 phút.
Năm nay cả hai chậu đều ra vòi bông, một chậu 2 vòi một chậu 1 vòi. Thích!

Mình không dám săm soi quá sợ nó mắc cở tịt luôn như năm ngoái. Nhưng ... cái tật vẫn không chừa và hôm nay vòi bông có vẽ ổn rồi, đã thấy ló ra mấy cái nụ.

Kế đến là chậu màu hồng phấn. Chậu này mua cuối 2007, năm ngoái đã ra được 7 vòi bông. Năm nay, đếm đi đếm lại được 9 vòi! Nhưng xui quá, không biết một cái ngọn bị bịnh gì, thúi mất làm liên lụy đến 2 vòi bông cùng tép. Chẳng biết chữa chạy thuốc gì, mình lấy vôi bỏ đại vô chỗ bị thúi. May quá, chỗ thúi khô, không lây lan nữa. Vậy là cũng chỉ còn được 7 vòi, vừa lớn vừa nhỏ. Hôm nay vòi lớn đã ló nụ rồi.

Chậu cuối cùng là chậu màu vàng chanh, thơm lừng. Năm ngoái có 5 vòi bông, nhưng cái chậu của nó hẹp quá nên sau khi hết bông mình sang nó qua cái chậu lớn. Hổm giờ hồi hộp không biết nó có "giận" mà nín bông không. Rốt cuộc, thăm khám hoài, bắt gặp được một cái vòi mới tách lá! Hihihi... vậy là nó không giận rồi, và đã có một vòi thì cũng có thể có thêm.
Nhưng phần thưởng lớn nhất là cây Miltonia trắng mua ở Chùa Tàu hồi Tết rồi, chỉ có 1 tép. Sau khi hết bông, nó nhảy thêm được 2 tép nữa và... hôm nay tự nhiên phát hiện có một vòi bông. Wow!!! Mừng hết biết luôn. Hy vọng tép kia cũng sẽ theo gương mà ra vòi bông nhé.

Bạn Kris (blog "The Gardens at Melissa Majora") nói cái lý do mà bạn ấy làm vườn là vì công việc đó luôn mang lại cho bạn ấy những sự ngạc nhiên thú vị. Kris so sánh, nếu ai đó có thú đan móc, sưu tầm tem, đọc sách, v.v... thì khi họ buông công việc ra và sau đó quay trở lại, mọi thứ đều vẫn như cũ, không thêm không bớt.
Thế nhưng trong việc làm vườn, chiều nay bạn nghỉ tay sáng mai trở ra vườn, có thể bạn sẽ thấy một bông hoa mới nở, một chồi cây mới lên, hay một chiếc lá vừa nhú. Cứ thế mỗi ngày bạn sẽ có những điều ngạc nhiên chờ đợi. Những điều ngạc nhiên ấy là phần thưởng của kẻ làm vườn.
Và mình vẫn luôn có được những phần thưởng đó. Vui lắm thay!

16 September 2009

Cập nhật tiểu cảnh cây mọng nước

Entry hôm nay dành cập nhật mấy cái mini-landscapes cây mọng nước.
Đây là cái tiểu cảnh đầu tiên của mình thực hiện vào khoảng tháng 11 năm ngoái. Tiểu cảnh này dành cho các loại cây có "đầu nhọn" như haworthia, agave, gasteria ... vì tụi này có cùng nhu cầu về nắng và nước gần giống nhau, tên của tiểu cảnh là "Sóng trào". Đến nay tụi nó sinh sôi nẩy nở phát sợ, gần chật cái đĩa rồi. Chắc là phải bốc tên Agave victoria reginae (lá có sọc màu trắng) ra chỗ khác thôi.


Bẵng đi thời gian lâu lắm mình mới thực hiện tiểu cảnh thứ hai, mang tên "Đài phun nước" theo gợi ý của bạn Josh trên GW.


Đài phun nước dành cho các loại sedum, echeveria, và sempervivium. Nhân vật chính là em Sedum burrito ở tầng trên và em Echeveria black prince ở tầng dưới.
Tụi này cũng có nhu cầu về nắng và nước gần giống nhau. Đài phun nước có tuổi đời 4 tháng. Tụi sedum mọc nhanh dễ sợ, "nước" đã tràn một lần rồi và hôm qua mình phải tỉa tót bớt em sedum nhí kẻo nó che lấp hết mấy anh chị kia.


Thế rồi "thừa thắng xông lên" mình làm tiếp cái tiểu cảnh thứ ba, dành cho euphorbia, mang tên là Zen garden vì có sỏi và đá. Bạn nhìn có thấy tính "thiền" của nó không?


Em Euphorbia flanaganii (bạch tuộc) là nhân vật chính trong Zen garden, hôm nay trổ bông tưng bừng. Những cái bông màu vàng chanh, be bé tương phản hẵn với cái màu xanh-nâu của thân.


Hôm qua mình cũng đã phải bấm ngọn cho em Portulacaria afra (lá tròn, màu trắng trắng) để khống chế chiều cao, nhường cho nhân vật chính khoe mẽ.
Nếu bạn muốn làm tiểu cảnh cây mọng nước thì nhớ chú ý chọn trồng những cây có cùng nhu cầu về nước và nắng nhé. Nếu không, chúng sẽ khó lòng chung sống được. Chúc bạn may mắn.

15 September 2009

Hoa "bình dân" ở Túy Sơn Viên

Hình trên đây là cảnh sắc mà bạn sẽ nhìn thấy khi đến thăm TSV tuần này. Sát bên bạn là tụi hoa lá đang chen chúc trổ bông, nhìn ra xa là ruộng rau xanh rì bên kia hẻm núi. (Click vào hình để nhìn toàn cảnh rõ hơn.)
Trong vườn, đám vạn thọ lùn chẳng lùn tí nào vì cái bồn trồng tụi nó đã được xử lý đất quá kỹ hồi tháng 6, nào là cát để thêm thông thoáng rễ, nào là phân để tăng chất bổ phát triển chiều cao. Thế là mấy ẻm ào ào lên cao phát sợ.

Dọc theo mé ngoài bồn là đám kim châm (daylily) đang phát huy hết vẽ sung mãn của chúng sau khi được làm cỏ bón phân hồi cuối tháng 7. Nhiều vòi bông vượt lên và bây giờ thì ngày nào cũng "chí-chóe-hoa-vàng-mấy-độ". (Hoa kim châm chỉ nở một ngày rồi tàn, nhưng vì trên vòi bông có rất nhiều nụ nên chúng thay phiên nở mỗi ngày, thành thử ngày nào cũng có bông.)

Tụi cosmos ở đầu ngoài, do trồng lại lần 2 sau làm đất, nên chúng không lên cao, mập và lá nhiều như đám trồng lần 1. Chúng lớn vừa phải, duyên dáng hơn nhiều.


Rút kinh nghiệm, từ đây về sau đất trồng vạn thọ và cosmos không nên quá bổ dưỡng vì như vậy nó sẽ phát triển chiều cao, lá nhiều nuốt mất bông.
Mấy cây lá màu, cũng rực rỡ không kém. Kỳ này mùa nắng đến rồi chắc sẽ nhân thêm ra để phát huy tính cách chịu hạn của chúng.

Gốc trạng nguyên già tỉnh dậy sau khi ngủ một giấc quá dài, cũng đang phởn phơ khoe sắc. Vài bữa trời lạnh nhiều màu sẽ thắm hơn.


Chỉ là hoa "bình dân" thôi nhưng thiên nhiên ưu đãi và thêm bàn tay chăm bón của con người, có khi còn đẹp rực rỡ những loài hoa vương giả khác mà lại bị bỏ bê, đúng không bạn?

14 September 2009

Hoya Carnosa ssp. carnosa

Cái tên của em cẩm cù này đang còn nhiều tranh cải - các bạn trên GW thì gọi nó là H. ssp carnosa (một chi của họ carnosa); còn người bán cẩm cù ở Thailand thì bảo nó không phải là ssp. carnosa mà là mekongensis! Gì thì gì, nó lại trổ bông nữa rồi!
Lúc mới mua về hồi tháng 6/2008, tên này còn một mớ "cùi" bông, được trồng trong cái chậu treo.

Mình thay ra cái chậu trồng đứng, không treo nữa. Dần dà quen nước, quen đất, nó phát ra mấy cái nụ.

Đợt bông đầu tiên khi về TSV của nó trổ vào tháng 10/2008.

Và bây giờ, gần một năm sau là đợt bông thứ 2, nhiều gấp đôi đợt trước.

Mình thích tên cẩm cù này vì có bông to đùng, lúc chưa nở lốm đốm đỏ, nhưng khi bung thì một màu trắng muốt, có cái nhụy nhìn giống 5 quả tim.

Nhưng em này không thơm như carnosa, pubicalyx and obscura. Thôi thì lấy cái size bù cho cái hương vậy!
____________________________________________

Cám ơn bạn đã ghé Túy Sơn Viên.
Nếu có thể xin bạn vui lòng để lại vài nhận xét cho chủ nhân biết có khách viếng thăm.
Related Posts with Thumbnails