Thật ra cái đoạn chót này không còn là Tây Tiến nữa mà gọi chính xác là Tây-Đông Bắc vì mọi người dành ngày cuối ở miền Bắc để đi Lạng Sơn.
Xưa giờ cứ tưởng tuợng Ải Nam quan xa xôi dịu vợi lắm vì trong sách địa lý-lịch sử học hồi nhỏ thì thấy "Ải Nam quan nằm ở địa đầu" còn "Mũi Cà mau là điểm cuối cùng" của đất nước mang hình chữ S! Ấy thế nhưng từ Hà nội đi Lạng sơn, nơi có ải Nam quan, gần xịt... đi về trong ngày khỏe re.
Từ Hà nội đi qua Bắc Ninh rồi lần lên Lạng Sơn theo Quốc lộ 1. Khác với địa hình Tây Bắc núi đá lởm chởm, địa hình Đông Bắc là núi đá vôi nhấp nhô. Đường đi Lạng Sơn cũng có những vùng núi đá vôi nhìn giống ở Ninh Bình. Đoạn quốc lộ 1 này mới xây dựng thay cho đường cũ nên xe chạy ngon lành, một lèo là đến Lạng sơn mất đâu hơn 3 tiếng đồng hồ.
Ải Nam quan, theo địa lý cũ, là thuộc Việt Nam; nhưng sau do "chấn chỉnh" cột mốc sao đó mà nó lại nằm sang phía Trung Quốc. Từ cửa khẩu Tân Thành, có thể nhìn thấy ải Nam quan ở bên kia cửa khẩu mà Trung Quốc đã xây dựng khá đẹp với bải cỏ và đài phun nước.
Quanh Lạng Sơn còn có những di tích mà người Việt Nam nào cũng biết đó là "Núi Tô Thị" và "Chùa Tam Thanh" qua câu hát ru từ nhỏ:
Đồng đăng có phố Kỳ lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
"Nàng Tô Thị" lúc trước nghe báo chí đăng tải, đã bị đổ sập. Nhưng bây giờ nhìn rất rõ "dáng người" đến độ có vẻ như... tượng mới đẽo.
Còn Chùa Tam Thanh thì đầy mùi "tâm linh" nên mình cũng không quan tâm nhiều.
Ngoài hai địa điểm đó, ở Lạng sơn còn có một "vết tích xưa" gọi là Thành Nhà Mạc mà trong lịch sử Việt Nam mình chỉ còn nhớ được có mỗi tên ông... Mạc Đăng Dung!
Ngược về Hànội, mọi nguời chọn đi đường quốc lộ cũ để ghé Ải Chi Lăng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Nhìn "cửa ải" mọi người dễ dàng hiểu được vì sao mỗi lần quân phương Bắc sang Việt Nam đều bị "đại bại" ở cái cửa ải này - chung quanh là núi bao bọc... chỉ có mỗi một con đường độc đạo để xuôi về đồng bằng Bắc Bộ. Nếu bị phục kích ngay chỗ đó thì người đi qua chỉ có thể từ bị thương cho đến chết chứ làm sao sống được!
Nơi cửa ải hiện giờ có một cái bia đá, ghi lại 5 lần quân Việt đánh thắng quân Tàu. Người Việt nào nhìn thấy chắc cũng tự hào lắm lắm!
Có một điều thú vị dọc theo ải Chi Lăng là những hình thù bằng đá trên vách núi, nhìn giống như những khuôn mặt mà người dân địa phương gọi là "mặt quỷ". Họ tin rằng chính những cái "mặt quỷ" đó đã trấn tại cửa ải, khiến cho không một quân giặc ngoại xâm nào có thể bình yên xâm phạm đất nước Việt Nam!
Lạng Sơn khép lại 10 ngày Tây Tiến, một chuyến đi đầy thú vị. Mình nghĩ mỗi người Việt Nam cũng nên một lần trong đời đến những địa danh nổi tiếng trong lịch sử như Điện Biên và Chi Lăng, trước khi thăm thú những danh lam thắng cảnh khác, để thấy tự hào về truyền thống dân tộc.
No comments:
Post a Comment