30 October 2011

Forcing amaryllis to bloom - stage 2

Đám củ lan huệ bữa hổm, sau khi vệ sinh sạch sẽ, đã được treo hong khô trong chỗ mát 1 tuần lễ. Sáng nay mình làm tiếp giai đoạn 2 là cho chúng đi ngủ đông.
Đây là số củ huệ sau một tuần lễ treo tòn teng dưới cái dù ngoài sân, những cái rễ mọng nước, giờ đây đã héo bớt.


Mỗi củ lan huệ được gói vào giấy báo, kèm theo cái nhãn tên của chúng để nhận dạng.


Tiếp theo ghi rõ ngày gói trên giấy báo để dễ theo dõi và cho vào ngủ trong tủ lạnh ít nhất 8 tuần lễ, kể từ hôm nay 30/10.


Phòng ngủ của củ lan huệ là ngăn rau tủ lạnh; nơi đây sẽ "nghiêm cấm" sự xâm nhập của trái cây, đặc biệt là táo.


Hy vọng toàn bộ số củ này sẽ trổ bông đúng hẹn.

26 October 2011

Santa Clause is coming to town

Mới gần cuối tháng 10 thôi mà ở TSV đã thấy bóng dáng Santa Clause trên mấy cây Poinsetta / trạng nguyên!
Poinsetta là một loại cây quanh năm nom rất đỗi bình thường. Ấy thế mà khi nhiệt độ hạ thấp vào khoảng cuối thu thì nó bỗng trở nên rực rỡ dần cho đến Tết.
Dù là người có đạo hay không có đạo, nhìn cây poinsetta trổ màu ở ngọn ắt hẵn ai cũng thấy nao nao với không khí lễ hội cuối năm.
TSV có ba cây trạng nguyên với ba màu khác nhau. Đến nay đã thấy 2 trong nhóm các ẻm trở màu lá ở ngọn.
Đây là em trạng nguyên mua ở chợ cách đây hình như là 2 mùa Giáng sinh. Sau lễ mình đem em ấy ra bỏ vật bỏ vạ dưới gốc cây đào, hưởng ké tí phân tí nước, vì mình nghĩ rằng em ấy thuộc dòng họ Hồ Cẩm Đào, chắc không nuôi trồng được vậy mà em vẫn sống! Hồi đầu năm mình "làm siêng" đem em trồng vào cái chậu riêng và để ý chăm bón, và giờ đây em đang trở mình chuẩn bị đón Santa Clause.



Còn đây là em trạng nguyên "gốc" đào ở nhà bạn về. Mấy năm trước em cũng bị nhốt trong cái chậu nhỏ nhí, cho núp lùm vì sợ trồng ra ngoài không ai tưới em cũng sớm qui tiên. Hồi đầu năm em được trồng ra đất và giờ đây em cũng đang chuẩn bị đón Santa Clause.



Mùa Giáng sinh sắp tới trong nhà ngoài vườn ở TSV, nếu Santa Clause có đến, cũng sẽ ấm lòng vì màu sắc của poinsetta.

21 October 2011

Forcing amaryllis to bloom

Lại đến mùa chơi lan huệ (amaryllis). Năm nay mình không định ép bông cho đám huệ của mình nhưng coi bộ vì chúng quá khỏe mạnh nên hầu hết nhìn có vẻ "buồn ngủ". Thôi thì đành phải cho chúng đi ngủ cho hợp với chu kỳ sinh trưởng của chúng vậy.


Đám huệ của mình phần lớn là huệ gieo trồng từ hạt được thụ phấn chéo giữa các cha mẹ khác nhau "ở bển" nên màu sắc của chúng rất đa dạng; nào hồng, nào đỏ, nào cam. Mùa hoa đầu 2011, các em đã thi nhau khoe sắc rồi và bây giờ đã muốn chuẩn bị trổ bông tiếp cho mùa năm nay.


Dù mới trồng vào chậu chưa được một năm, có đứa to khủng bố, đường kính hơn 12cm và cân nặng đến 600gr.



Lúc đem tụi nó ra khỏi chậu, củ nào cũng rễ bám chặt cả chậu, nhìn rất ngon mắt.


Sau một hồi hì hục gỡ rối và rửa sạch sẽ, bộ rễ của một vài đứa nhìn như râu ông già Noel!



Trong đám củ đã có 1 em đang ra vòi bông. Riêng em này chắc mình không cho nằm tủ lạnh nữa mà trồng vào chậu ngay để vòi bông phát triển tiếp.


Tụi còn lại sẽ được hong khô và vào tủ lạnh ngủ 8 tuần. Hy vọng khi đánh thức chúng sẽ kịp cho bông vào dịp tết AL.

20 October 2011

Orchids in my garden at ĐGT

Vẫn còn mưa nhiều nên cái góc "cà phê rừng" ở ĐGT tiếp tục mang lại ẩm độ cần thiết cho đám lan, hết dendro đến hồ điệp rồi cả brassavola. Thiệt là đã con mắt nhìn!
Em này là hồ điệp ở "bển" đem về mấy năm ngồi chơi dưỡng sức mùa này trổ bông tưng bừng hoa lá, suốt từ tháng 8 đến giờ.


Em này là dentro "gì-không-biết" được bó ghép trên thân cây mận, rễ bám trắng trên cây "gởi", trổ một vòi bông...tự thưở nảo tới giờ vẫn còn tươi!


Em này cũng là dendro "gì-không-biết", trồng trong chậu rêu phong phủ kín... cũng đua theo trổ bông... tự thưở nảo tới giờ!


Em  brassavola "hồng-chấm-tím" là cái đứa sung hoa nhất trong đám lan lủ khủ ở ĐGT - cứ miệt mài nhảy cây con, miệt mài trổ bông gần như quanh năm suốt tháng có mặt ở ngoài vườn.


Và em "brassavola-cum-cattleya" này đem từ Thái về năm ngoái cũng đã góp mặt vài lần rồi; lần này lại "âm thầm trổ hoa" và suýt chút nữa mình không phát hiện vì em trốn kỹ quá.


Mình nhận thấy xứ nóng ẩm thích hợp cho những loại lan trên đây vì... mình đã thử nuôi hồ điệp và cattleya trên TSV nhưng tụi nó lụi dần chứ không được sởn sơ như ở ĐGT này. Có thể mình sẽ chuyển hết mấy em lan trên núi xuống đồng bằng thôi.

18 October 2011

Meet Bốp, the Dalmatian

Chủ nhật, khi còn ở TSV, mình nhận được điện thoại của ông ngoại Biam báo có người mang đến cho một em chó đốm! Dù biết ngay người gởi mình vẫn rất ngạc nhiên pha lẫn thích thú vì chưa nghĩ đã cóđược ngay như vậy. Vậy là quân số cún ở ĐGT tăng thêm 1 em nữa.
Việc đầu tiên là tìm ngay một cái tên cho người mới. Cuối cùng thì ông ngoại Biam và mình thống nhứt gọi em đốm là "Bốp", cho cùng âm với các anh trong nhà.


Em Bốp đã được 3 tháng tuổi, rất lanh lợi và hiếu động, quậy tưng làm Biam "ghét" ra mặt. Tội nghiệp Bốp, còn ngây thơ đâu biết gì nhưng anh Biam thì...ứ thèm nhìn mặt "thằng chó" mới về.


Thế là từ nay mình lại phải tiếp tục vai trò ...huấn luyện chó. Phải bắt đầu từ đầu thôi và khá gay go đây bởi Bốp đã quen với kiểu sống "mất trật tự", nhất là khâu...vệ sinh cá nhân.

16 October 2011

In the misty morning

Vẫn như mọi ngày vào thời gian này, buổi sáng ở TSV thường đầy sương. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu cao nguyên, cỏ cây hoa lá dương như chìm vào màn sương, dịu dàng e ấp khoe sắc khoe hương.


Cả cái bồn "Cây đào" dạo này rực màu vàng của mấy khóm daylily hyperon, hay còn gọi là hoa kim châm, hoặc hoa hiên. Đây là những khóm hoa "bản địa" mà mình trồng sớm nhất ở TSV; chúng cho thấy một loại hoa đẹp, bình dị có khả năng tự quản rất cao bởi mình cứ bỏ bê suốt nhưng chúng vẫn không quên trổ những đóa hoa vàng rực làm sáng bừng một khoảnh vườn.


Nếu bạn tới thăm TSV ngay bây giờ, bạn sẽ nhìn thấy cảnh tượng này - đêm qua có lẽ không mưa nên những chú nhện "vườn" đã mắc lưới khắp nơi và khi ánh mặt trời chiếu vào, cái lưới nhìn lung linh như một tác phẩm nghệ thuật!


Nhện giăng lưới từ phía trước ra đến phía sau, từ cây ngoài bồn cho đến cây trong chậu. Mình không biết chúng đã bắt được những con mồi nào nhưng mình rất tiếc là phải xóa bỏ "lưới" bởi nó sẽ làm cho những chiếc lá, hoặc nụ hoa, bị gò bó không phát triển tự nhiên được. Sorry nhện nhé!

Nhờ những buổi sáng mù sương như thế này mà cây cỏ TSV có đủ nước để sống trong những lúc mình không có mặt tại đây. Mong sao những ngày sắp tới TSV vẫn đẫm sương!

14 October 2011

Biam - my good-looking Tibetian spaniel

Biam năm nay được hơn 3 tuổi rưỡi rồi, tính tình đã đằm thắm hơn lúc nhỏ. Nhưng vẫn là một em cún hiếu động suốt ngày!


Biam có rất nhiều đồ chơi, đựng riêng vào một cái rổ nhựa trong đó nào là thú nhồi bông, banh nhựa mềm, banh tennis, các con thú bằng nhựa kêu chút-chít. Trong đám đồ chơi đó, em hiểu và phân biệt được đâu là banh, đâu là chó (nhồi bông), đâu là gấu (nhồi bông) và đâu là "đồ chơi". Hỏi tới cái gì là em đi tới cái rổ và lục tìm cái đó, nếu muốn! Còn không muốn thì...thôi, tất nhiên!


"Đồ chơi" là cái mà Biam thích nhứt, tại một thời điểm. Hiện nay, đó là con chim cánh cụt bằng nhựa, kêu chút chít. Trước đây là con cá bằng nhựa. Có lẽ những thứ này nhỏ vừa cho em ngậm nên Biam rất thích. Khi nào bị lạc mất tìm không ra, thì em mới chuyển sang các món còn lại.



Và trò chơi mà em thích nhứt là "Fetching" (thảy - lượm). Suốt ngày Biam cứ tha "đồ chơi" đến đặt trên ghế của bà rồi ngồi chờ cho bà thảy nó ra xa để em chạy đi lượm, rồi đem trở lại cho bà. Cứ thế hai bà cháu chơi cả ngày không chán, cho dù là ở Đặng gia trang hay Túy sơn viên!


Thỉnh thoảng, ông hay bà không thèm thảy "đồ chơi", Biam kiên nhẩn ngồi hàng giờ để đợi, không hề rời mắt khỏi món "đồ chơi" cho đến khi nào ông bà chịu thua phải thảy đi cho em lượm về, mới thôi.

Hoặc có khi ông bà cắc cớ, đem để món "đồ chơi" lên cao ngoài tầm với, thì Biam "khóc" đòi cho bằng được.
Từ sáng sớm cho đến tối đi ngủ, lúc nào Biam cũng ôm lấy món "đồ chơi" yêu thích. Biam rất ngoan, không bao giờ làm hỏng đồ chơi của mình. Em cũng không bao giờ đụng tới giày dép, sách báo, cây cảnh ... của ông bà. Đôi khi bà thảy quá đà, món đồ chơi của em rơi vào đôi giày của ông, em đứng nhìn mãi rồi kêu bà lấy giùm, chứ em không dám cho miệng vào giày của ông mà lôi đồ chơi ra.
Thiệt là thương Biam vô cùng! Ai cũng hỏi, liệu khi mình có cháu ngoại thì có còn thương Biam được như hiện nay không? Ồ, tất nhiên rồi, cháu ngoại và Biam... vẫn luôn có chỗ dành riêng mà.


Tái bút: mình đã tìm hiểu kỹ, chó và mèo (thú cưng) không ảnh hưởng gì tới việc mang thai hay nuôi em bé cả. Yên chí rồi, cả Emmy, Biam và "con-mèo-xinh-đẹp-ơi"...sẽ vẫn được chơi với em bé của Dì Thư!

13 October 2011

Unexpected happiness - A daylily bloom in the middle of Autumn

Hồi đầu tuần vừa lên TSV mình phát hiện đám Daylily ở vườn sau có một bạn đâm mấy cái vòi bông. Thật lạ lùng vì mình cứ ngỡ Daylily chỉ trổ bông vào mùa hè và phải đến hè năm sau mình mới có dịp săm soi những cái bông của mấy ẻm. Ai dè!


Sáng nay, đã nhìn thấy cái bông đầu trên vòi bông nở rồi. Thương quá!


Từ hôm tụi nó hết bông đợt hè, mình không chăm nữa vì nghĩ chúng đã đến mùa ngủ. Vì thế chúng bị cỏ dại lấn lướt. Nhìn thấy cái bông bất ngờ, mình lại dọn cỏ và bón phân cho tụi nó.


Ngoài bạn này, còn có 2 bạn Daylily nữa đang ươm nụ. Thiệt là không thể đoán trước được điều gì chờ ta ngày hôm sau, khi ta là một keen gardener!

Tái bút: từ nay, để giúp Google dễ dàng lựa chọn các mẫu quảng cáo phù hợp với nội dung của TSV, mình sẽ ghi tựa bài bằng tiếng Anh. Mong các bạn đọc thông cảm.

12 October 2011

Thunbergia mysorensis & Strongylodon macrobotrys

Thunbergia mysorensis có tên tiếng Việt là Móng cọp vàng; còn Strongylodon macrobotrys là Móng cọp xanh. Thật ra móng cọp vàng nhìn không giống cái móng của con cọp mà giống chiếc hài hơn!
TSV hiện có trồng cả hai em này và cho leo giàn. Gần 2 năm rồi, em móng cọp xanh bò tràn đến 2/3 cái giàn, còn em vàng mới chưa được 1/3.


Vì đang là mùa mưa nên mình ra sức bồi dưỡng cho hai ẻm. Kết quả là nào em nấy ra tược tua tủa, trổ bông tưng bừng.
Có lẽ ai đến Dalat cũng ngẩn ngơ với mấy cái giàn móng cọp ở Thiền viện Trúc Lâm. Không biết người ta trồng bao lâu rồi mà bông kín giàn nhìn quá ấn tượng. Mình mong một vài năm nữa, hai em móng cọp ở TSV cũng chi chít bông như vậy!
Nhiều người không thích trồng móng cọp vì ngại phải lượm những cái "móng" của chúng rơi rụng xuống sân. Riêng mình thì rất thích vì chúng là những loài hoa đặc trưng của Dalat.

10 October 2011

Son môi / Lipstick plant

Em son môi đỏ ở TSV đợt này trổ bông um tùm, mặc dầu cây không mấy sung lá.


Mình cũng chưa biêt rõ tính nết của em son này ra sao, mà thấy ẻm "kỳ kỳ"... cứ có cái tược nào ra được thời gian là chột ngọn!



Lẽ ra mình phải tìm hiểu để chăm cho đúng bài nhưng thú thật là mình cũng đang... lười dần vì quân số cây cỏ ngày càng tăng nên không còn đủ thời gian mà chăm cho kỹ nữa. Dù sao thì cũng phải để ý em này thử, chứ thật ra ẻm cũng là một giống cây lạ.

09 October 2011

Thu

Mùa thu ở TSV không có lá vàng như mùa thu xứ lạnh. Tuy vậy thu ở TSV có nét rất nên thơ nhất là vào những lúc trời vừa sáng.


Ấy là khi sương đêm từ cỏ cây dưới đất bắt đầu bốc lên và lảng vảng ở trên đầu những ngọn đồi phía bên kia hẽm núi. Màn sương mờ ảo khiến lòng người man mác, lâng lâng.


Gần hơn là những khóm cây chậu hoa trên hiên sau còn nặng trĩu giọt sương ướt rượt.


Mùa này, cho dù trời không mưa, cũng không cần phải tưới mỗi ngày nữa vì đêm sương xuống rất nhiều. Sáng dắt Biam ra ngoài trở vào nhà lúc nào người cu cậu cũng ướt mèm, mắc công bà lau thật kỹ!
Thích mùa thu bàng bạc mù sương!
____________________________________________

Cám ơn bạn đã ghé Túy Sơn Viên.
Nếu có thể xin bạn vui lòng để lại vài nhận xét cho chủ nhân biết có khách viếng thăm.
Related Posts with Thumbnails